Hôm nay (4.9), webgame Trảm Ma của nhà phát hành VTC Game đã chính thức mở cửa đón game thủ trải nghiệm. Hiện tại, người chơi có thể dễ dàng đăng ký tài khoản, trải nghiệm và nhận giftcode trên trang chủ của webgame này. Theo ghi nhận của Thanh Niên Game, trong quá trình trải nghiệm, ngoài việc “disconnect liên tục” thì có thể coi như Trảm Ma đã có một ngày ra mắt thành công khi có khá nhiều game thủ tham gia.
Bối cảnh và nhân vật
Trảm Ma (có tên gốc là Thượng Cổ Hàng Ma) là webgame 2.5D với lối đánh theo lượt (turn-based) mang phong cách tiên hiệp thượng cổ, được phát triển bởi Skygame Network Technology, và được VTC phát hành tại Việt Nam. Trảm Ma phát triển cốt truyện thời kỳ hồng hoang thượng cổ với các nhân vật nổi tiếng như Nữ Oa, Phục Hi, Thông Thiên Giáo Chủ, Thái Thượng Lão Quân… Đồ họa nhân vật, trang phục và cảnh quan trong trò chơi được thiết kế mang đậm hình ảnh phong cách văn hóa phương Đông mang lại cảm giác quen thuộc với hầu hết game thủ Việt.
Trảm Ma có ba lớp nhân vật để người chơi lựa chọn, bao gồm Man Sĩ, Linh Hư và Thiên Tinh. Mỗi lớp nhân vật đều có phân giới tính (nam-nữ) rõ ràng và có các chỉ số tư chất khác nhau. Tùy vào sở thích hoặc chiến thuật mà người chơi có thể lựa chọn cho mình trường phái nhân vật yêu thích.
Đồ họa sắc nét nhưng không gây ấn tượng
Bối cảnh cũng như hình ảnh trong Trảm Ma được xây dựng khá chi tiết và sắc nét. Các hoạt cảnh từ Tiên giới cho tới Ma vực đều tỏ ra khá “chất”, ngoài ra, hệ thống vũ khí, thú nuôi, thú cưỡi cũng tỏ ra có đôi chút vượt trội so với các webgame 2.5D cùng thể loại. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất lại đến từ chính tiêu chí quan trọng nhất của mỗi game online: nhân vật.
Đồ họa trong Trảm Ma được xây dựng với phong cách 2.5D trên nền 2D và tạo hình 3D cho nhân vật nhằm làm tăng thêm sự sống động. Tuy nhiên, chuyển động của nhân vật trong game vẫn còn tương đối gượng và cứng, bên cạnh việc thiết kế nhân vật quá to so với khung hình tạo cảm giác khó nhìn. Quá trình thi triển kỹ năng của nhân vật cũng tỏ ra khá gượng gạo, gần như không ăn nhập gì nhiều với nhân vật.
Lối chơi auto gây nhàm chán
Như đã nói, cơ chế chiến đấu trong Trảm Ma được xây dựng với lối đánh theo lượt (turn-based) dựa trên một trận địa được bố trí sẵn. Trong mỗi lượt đánh, người chơi có thể tùy thích quyết định đòn tấn công của mỗi nhân vật. Thông thường, nhân vật được đặt khoảng 2 kỹ năng chính trên thanh công cụ và người chơi sẽ quyết định sử dụng 1 trong 2 kỹ năng này để tấn công.
Diễn biến trong game cũng không nằm ngoài mô-típ “webgame auto” như trăm ngàn webgame khác đang vận hành trên thị trường. Người chơi chỉ cần click chuột theo các chỉ dẫn là nhân vật sẽ tự động làm mọi việc từ A đến Z. Một điều khá buồn với một game online đánh theo lượt, đó chính là tồn tại luôn cả hệ thống auto trong quá trình chiến đấu. Đối với một game “turn-base”. Lẽ ra việc “dùng não” để tính toán việc tung đòn vào đối thủ như thế nào phải được đặt lên hàng đầu, thì Trảm Ma, với việc tích hợp auto chiến đấu, đã giết chết hoàn toàn sự tính toán của người chơi, làm mất đi tính “chiến thuật” vốn có của dòng game này.
Trên thực tế, việc auto trận đánh là điều diễn ra thường xuyên trong các game chiến thuật thẻ tướng thời gian gần đây, nhưng ít ra game thủ có quyền can thiệp vào việc dàn xếp đội hình, bố trí những tính toán đầu trận. Điều này không thực sự rõ nét trong Trảm Ma.
Cách xây dựng nhân vật của Trảm Ma cũng vẫn đi theo phong cách quen thuộc của những game online xuất xứ từ Trung Quốc với những tính năng thuộc dạng điển hình như: cường hóa, kinh mạch, thú cưỡi, anh linh, cánh,… Tốc độ thăng cấp trong game cũng khá chậm, sau khoảng một giờ đồng hồ trải nghiệm, người chơi cũng chỉ có thể thăng khoảng 25-30 cấp độ.
Điểm cộng duy nhất mà Thanh Niên Game thấy được khi trải nghiệm webgame này đó chính là hệ thống minigame trong Trảm Ma. Minigame này có tên là Phúc Trạch Linh Địa, có thể coi là một phiên bản của tính năng gia viên và khá giống với một Nông Trại Vui Vẻ mini. Trong đó, người chơi có thể trồng trọt, chế biến để “giết thời gian”.
Trảm Ma hiện tại vẫn chưa được Việt hóa hoàn toàn, vẫn còn đâu đó những thông báo thi triển kỹ năng bằng chữ Trung Quốc. Chưa kể đến việc ngay trong ngày đầu ra mắt, game đã dính phải lỗi “nạp tiền” khiến nhiều game thủ bỗng chốc trở thành VIP10 (bậc VIP cao nhất) chỉ trong nháy mắt khiến “dân tình” kêu than không ngớt mặc dù đội ngũ vận hành đã có thông báo sẽ khắc phục sớm nhất có thể.
Nhìn chung, ngoài việc mất kết nối xảy ra thường xuyên trong vài giờ đầu mở cửa, ngoài lỗi nạp VIP10, ngoài những thứ gây nhàm chán như hệ thống auto “tận răng” hay đồ họa không có quá nhiều điểm nhấn, thì Trảm Ma vẫn là một webgame đáng để thử trong khi rảnh rỗi, đặc biệt là việc giải trí bằng việc “làm nông dân” với minigame Phúc Trạch Linh Địa!