Tiểu sử bản thân
Tào Tháo hay còn được gọi là Mạnh Đức, sinh năm 155 ở Bạc Châu, thuộc An Huy, Trung Quốc, là một trong những nhà chính trị, quân sự giỏi nhất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái tổ Vũ Hoàng Đế.
Ngay từ thời điểm dẹp loạn khăn vàng, Tào Tháo đã chứng tỏ tài năng và vị thế của một nhân vật kiệt xuất, dù khi đó tầm ảnh hưởng của ông chưa thể bằng nhiều vị lãnh chúa khác mà tiêu biểu là hai anh em Viên Thiệu, Viên Thuật. Sau khi “nắm” Thiên Tử trong tay, Tào Tháo lần lượt chinh phạt từng mảnh đất của miền Bắc Trung Quốc, thôn tính và hình thành thế lực vô cùng vững chắc, đứng đầu trong số những chư hầu thời bấy giờ.
Nếu như không có trận thảm bại trên dòng sông Trường Giang, lọt vào cái bẫy Xích Bích của Chu Du và thế lực Đông Ngô bày ra, thì có lẽ lịch sử Tam Quốc đã “rẽ” sang một hướng đi khác, mà ở đó Tào Tháo là người thống nhất toàn bộ đất nước Trung Hoa.
Được người đời biết đến bởi bản tính đa nghi, cách làm việc quyết đoán không vị tình, và quan trọng hơn hết là cách ứng xử hoàn toàn phá vỡ mọi quy cách chuẩn mực. Tào Tháo chính là “nhất đại kiêu hùng” thời Tam Quốc phân tranh, nửa đời đứng trên đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, ông qua đời sớm mà chưa hề bước lên ngai vàng Trung Nguyên, phải nhờ đến con trai của mình thì khát vọng này mới trở thành sự thật.
Hóa thân trong thế giới game
Một Ngụy Vương oai hùng
Tào Tháo cũng không nằm ngoài dự án khai thác nhân vật trong Tam Quốc của Koei, là một nhân vật “nổi danh” bậc nhất trong thời kì Tam Quốc phân tranh nên Tào Tháo cũng được hai tựa game Dynasty Warriors và Romace of the Three Kingdoms khai thác triệt để. Tuy Tào Ngụy Vương là một nhân vật nổi tiếng là đa nghi nhưng khi tạo hình nhân vật trong game, các nhà phát hành rất khó lòng tạo nên một diện mạo nhân vật mang tính cách như vậy, họ buộc phải lấy một đặc điểm khác là sự trang nghiêm và oai phong của Tào Mạnh Đức để làm “gốc rễ” cho ý tưởng tạo hình.
Đặc điểm chung trong cách tạo hình của Koei, là chất tàn ác có phần độc đoán ẩn chứa trong diện mạo của Tào Tháo. Nguyên nhân của ý tưởng này bắt nguồn từ việc mặc định Tào Tháo là “vai ác”, rất phổ biến trong các sản phẩm văn hóa chuyển thể từ Tam Quốc. Tuy vậy, sắc diện của Ngụy Vương trong quan điểm của Koei lại có phần hơi… hiếu chiến, hung hăng, mặc dù trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa họ Tào luôn là một vị chúa công hành xử rất cân nhắc và tính toán.
Trong Dynasty Warrior 6 Tào Tháo được tạo hình rất oai phong với bộ hoàng giáp “cách tân” cùng nhiều chi tiết hoa văn đẹp mắt, ông được trang bị thêm một áo choàng đen và thanh trường kiếm sắc nhọn trông rất “ngầu”. Đây cũng được xem là hình mẫu mà các phiên bản sau của dòng game này noi theo.
Truyền thống “ác hóa” Tào Tháo thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong các webgame, game tiên hiệp,… đang vận hành tại thị trường Việt Nam. Trong các sản phẩm này Tào Tháo được mặc định như một dạng “boss” hung hãn và khỏe mạnh, chờ đợi người chơi… tiêu diệt. Không những thế, Tào Tháo thỉnh thoảng còn bị gắn với hình ảnh của Ma Tộc – một trong những thế lực tà đạo, không từ thủ đoạn trong thần thoại Trung Quốc.
Trong game Tam Quốc Chiến, Tào Tháo vào vai của một trong 3 siêu Boss cùng với kĩ năng đánh diện rộng mạnh mẽ, những class như Thần Mưu cần phải đặc biệt đề phòng, bởi khi chiêu thức “phản damage” của Tào Tháo được bật, không ít game thủ sẽ vô tình “ngã ngựa” mà chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sức mạnh của Tào Tháo đến từ những skill giật, kéo đối thủ, điều này vô tình đẩy người chơi vào tâm lí lo sợ vì chẳng biết còn bị Boss nhà họ Tào đùa giỡn đến khi nào.
Khi xuất hiện trong 3Q Củ Hành, Tào Tháo là hiện thân của… Hắc Ám Ma Tộc Bá Vương. Trong tay nắm giữ ma binh Tà Thiên Huyết Hồng Kiếm, thân kiếm chứa hắc ám ma lực, ngay cả… ánh mắt cũng chất chứa ma khí. Nhìn chung, tựa game Moba này đã biến Tào Tháo thành một nhân vật tột cùng hắc ám, đại diện cho cái xấu, cái ác. Không những vậy, các tuyệt kỹ (skill) của Tào Tháo còn mang chất “dị” rất tà đạo, gây khó chịu cho game thủ.
Tào Tháo là một vị lãnh đạo tài năng của phe Tào Ngụy thời Tam Quốc, ông rất trọng người tài và có rất nhiều ưu đãi dành cho những vị mãnh tướng, vì vậy dưới trướng của Tào Tháo có rất nhiều những vị tướng dũng mãnh và tài năng hơn người. Đây chính là cơ sở để một số game chiến thuật của Koei, và một số webgame như Trinh Đế, Công Thành Chiến,… biến Tào Tháo trở thành nhân vật có nhiều kỹ năng hỗ trợ, giúp ích cho chiến thuật của người chơi.
Một điều khá thú vị là hiện nay, thế giới game vẫn chưa có cái nhìn rõ ràng về năng lực quân sự của Tào Tháo. Nhiều tựa game chiến thuật đưa Tào Tháo trở thành thống lĩnh kỵ binh (dựa vào danh hiệu Kiêu Kỵ Hiệu Úy năm xưa của họ Tào), một số game của Koei lại xếp năng lực thống lĩnh thuẫn binh (loại binh sĩ chuyên sử dụng khiên, thuẫn để che chắn) của Tào Tháo lên hàng đầu.
Tào Tháo trong X Tam Quốc
Trong X Tam Quốc (gMO 3D chiến thuật thẻ tướng do CMN Online phát hành), Tào Tháo là vị tướng phẩm chất Tím vẫn đang “nằm trong vòng bí ẩn”. Tuy nhiên, dựa trên thông tin hé lộ ban đầu, đây là nhân vật thuộc trường phái hỗ trợ, đánh xa, dựa nhiều vào điểm Trí Lực làm nền tảng sức mạnh. Tất nhiên, cách thứ tạo hình, định vị nhân vật này là phù hợp với hình ảnh một người giỏi thao lược, mưu kế như Tào Tháo.
Với chiến lực từ level đầu là 247, Tào Tháo sở hữu chỉ số không thật sự ấn tượng đối với một tướng phẩm Tím, cũng như danh tiếng lấy lừng của ông trong chính sử. Bên cạnh đó, bộ kỹ năng của họ Tào khá kén người sử dụng. Quần Liệu giúp hồi máu liên tục cho đồng đội (nhưng chắc chắc sẽ thấp hơn những “thành” hồi máu như Hoa Đà chẳng hạn), tuyệt kỹ thứ hai Trá Thủ, ngược lại, có tác dụng giảm Ma Kháng và tạo sát thương Ma Pháp lên một địch thủ. Đặc biệt, kỹ năng thứ ba Khích Khí có vẻ là “hàng hot” của Tào Tháo, vì có khả năng hồi Nộ Khí trọn vẹn cho một vị tướng đồng đội.
Có thể nói, với ba chiêu thức “không liên quan” này, Tào Tháo được định hình trở thành một vị tướng có khả năng bao quát các khía cạnh của trận đấu, đa dụng và có thể phát huy tài năng trong nhiều trường hợp.
Thông tin bên lề
- Trên các trang mạng xã hội hiện nay, Tào Tháo cũng được hâm mộ rất nhiều khi có hẵn một “hội những người thích Tào Tháo”. Họ lập ra fanpage để cùng nhau bàn luận về tính cách, những biệt tài và cả những câu nói từng đi vào lịch sử của Tào Mạnh Đức. Đây là nét mới, xuất hiện sau này bởi từ trước tới nay họ Tào luôn bị mặc định “sắm” vai ác.
- Từ “gian hùng” dường như được sinh ra để mô tả về Tào Tháo. Rất khó tìm được nhân vật lịch sử thứ hai “xứng đáng” với tính từ này.
- Ngoài những tài năng bẩm sinh về chính trị và quân sự, Tào Tháo còn là một nhà thơ “thứ thiệt”. Hiện nay, người ta vẫn lưu giữ được hơn 20 bài thơ của ông còn để lại, toàn sử dụng thể cổ nhạc phủ (nhiều thể văn có vần, có thể phổ vào nhạc được) nhưng có phong cách sáng tạo rất riêng và độc đáo.
-
- Câu nói nổi tiếng nhất của Tào Tháo: “Thà ta phụ cả thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta”. Câu nói này gần như đúc kết một cách rõ rệt nhất tính cách của họ Tào.
- Lưu Bị được phát họa như một cá tính đối lập với Tào Tháo, và đây cũng chính là hai đối thủ trời sinh của nhau.
- Tào Tháo đã tìm hiểu rất kỹ về “thuật phòng the” nhưng ông lại có sở thích đặc biệt ở những người vợ của kẻ thù: “Mỹ nhân trong thiên hạ đều tầm thường với ta, duy nhất chỉ có vợ của kẻ thù làm ta thích thú”. Hiện vẫn chưa rõ câu nói này được “nảy mầm” từ đâu, trong số vô vàn sản phẩm văn hóa lấy cảm hứng từ Tào Tháo, nhưng không ai có thể phủ nhận được độ nổi tiếng của nó.
- Tào Tháo luôn có những suy nghĩ và tư tưởng khắc hẳn với những người khác. Ông biết sai, sửa sai, nhưng không bao giờ nhận sai vì ông cho rằng: “Kẻ nhận sai chẳng khác nào tự nói mình nhu nhược”. Chính vì tính cách này, Tào Tháo trở nên khó lường, vì không bó buộc mình trong bất kỳ quy chuẩn, lề lối nào.
-
- Trong phim Đổng Tước Đài của đạo diễn Triệu Bản Sơn, Tào Tháo được ngôi sao kỳ cựu của điện ảnh hoa ngữ Châu Nhuận Phát thủ vai, anh đã thể hiện được một Tào Tháo khiến ai cũng muốn… giết theo nội dung kịch bản. Tạo hình và diễn xuất thành công của Châu Nhuận Phát khiến đạo diễn Triệu Lâm Sơn nhận xét, sau khi hoàn thành phim, Nhuận Phát đã biến mất vì anh diễn quá xuất sắc nhân vật Tào Tháo.
- Trong bộ phim sử thi Tam Quốc Diễn Nghĩa của đạo diễn Cao Hy Hy, diễn viên Trần Kiến Bân đã rất xuất sắc vào vai Tào Tháo, từ khuôn mặt, ánh mắt đến giọng cười ngạo nghễ. Một Tào Tháo “biết sai, sửa sai chứ không nhận sai” chuyển bại thành thắng rất nhiều trận chiến. Một Tào Tháo – thừa tướng sẵn sàng cúi xuống cột dây giày cho Quan Vũ hay phủi bụi cho Trần Lâm khi cần khiến quần hùng kinh hãi. Một Tào Tháo “mượn thiên tử lệnh chư hầu” thao túng quần thần nhưng không ai dám phản kháng. Cao Hy Hy đã dồn hết những cá tính phức tạp vào vai diễn của Trần Kiến Bân. Và tài diễn xuất của Trần Kiến Bân khiến nhiều người xem thoát được suy nghĩ cực đoan lâu nay là căm ghét Tào Tháo.