Gần đây, nghị sĩ Kim Hak-Yong của Hàn Quốc chia sẻ, các doanh nghiệp game Trung Quốc đang áp dụng chính sách “tằm ăn rỗi” để từ từ thống trị thị trường game Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc chưa có bất kỳ động thái đối phó nào. Ông kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra sách lược ứng phó, tại buổi họp ngày 14.9 quốc hội vừa qua.
Năm 2015, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực game, phim ảnh và các loại hình văn hóa khác của Hàn Quốc ước tính đạt 3.000 tỷ won (khoảng 2,5 tỷ USD). Đặc biệt công ty Tencent đã đầu tư vào 5 công ty game Hàn Quốc 762 tỷ won (khoảng 673 triệu USD), trong đó, riêng Netmarble là 530 tỷ won (khoảng 443 triệu USD).
Ông Kim chỉ ra, năm 2007 Tencent đạt được quyền vận hành game Cross Fire (Đột Kích) do Hàn Quốc sản xuất, thu lại lợi nhuận 2,7 tỷ USD (tại Trung Quốc) trong năm 2014. Sau đó công ty này sử dụng khoản tiền này đầu tư ngược lại các công ty Hàn Quốc, từng bước thực hiện chính sách “tằm ăn rỗi” (ăn nhanh và rất khỏe, có bao nhiêu “hốt” hết bấy nhiêu). Ông yêu cầu Bộ văn hóa Hàn Quốc chuẩn bị sách lược ứng phó với những diễn biến như thế này.
“Sản nghiệp nội dung văn hóa của Hàn Quốc trong thời gian tới cần được quan tâm. Nếu cứ tiếp tục như hiện tại, nó sẽ trở thành ngành công nghiệp phụ thuộc, vì vậy chúng ta cần có biện pháp ứng phó,” ông Kim cho biết.
Hiện nay những tựa game “bom tấn” Hàn Quốc như Dungeon & Fighter (Nexon), Blade & Soul (NCsoft), ArcheAge (XLGames) và Đột Kích (Smilegate) đều được phát hành tại thị trường game Trung Quốc thông qua Tencent. Có tổng cộng gần 30 công ty game Hàn Quốc “làm ăn” với Capstone Partners, một quỹ đầu tư được Tencent thành lập.
Ban đầu Hàn Quốc xem các công ty game Trung Quốc là đối tác tốt để tấn công vào thị trường béo bở này. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang ngày càng bành trướng với tốc độ chóng mặt. Điển hình là gã khổng lồ Tencent đã mua lại công ty game Mỹ Riot Games, cùng 14% cổ phần của KakaoTalk (dịch vụ tin nhắn di động OTT rất thành công tại Hàn Quốc). Điều này làm dấy lên lo ngại các công ty game nói riêng và cả ngành công nghiệp game Hàn Quốc nói chung sẽ dần phụ thuộc vào các “đại gia” Trung Quốc. Thực tế game Liên Minh Huyền Thoại của Riot Games đang là trò chơi thống trị hơn 40% các phòng máy PC Bang tại “xứ kim chi” là một minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.
Nếu chuyển sang mảng game di động, tình hình càng rõ ràng hơn. Trung Quốc là một thị trường quá hấp dẫn với các công ty game Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tencent là một cánh cổng lớn “bảo vệ” thị trường này, bất cứ ai muốn vào, buộc phải “làm thân” với “người gác cổng” này.