Từ sao khiêu dâm đến… chịch
Giới game thủ Việt ắt hẳn chưa thể quên sự vụ nhà phát hành VDC-Net2E “cố tình” đưa thông tin về việc mời một ngôi sao khiêu dâm nổi tiếng Nhật Bản về Việt Nam làm đại sứ cho một game phát hành. Thông tin được “tô bóng” bằng các dữ kiện “rất chính thức”, nên thu hút quan tâm của dư luận. Thậm chí có cả những bài viết và… video clip “chế” để “hưởng ứng” đại sứ game này, coi như là một sự đột phá làm thay đổi diện mạo chung.
Mãi đến khi chính nhà phát hành này công bố “kịch bản” chỉ là sự nhầm lẫn nào đó, thì mọi ồn ào mới lắng đi.
Một thời gian sau, đến lượt nhà phát hành Game 5 gởi thông tin cho báo giới về việc ra mắt game Rồng Lộn. Nhà phát hành này còn gây ấn tượng với việc công bố fanpage Phồng Tôm, tạo nên một trường tranh cãi với giới game thủ vì cái tên Rồng Lộn. Hàng chục bài viết trên các trang tin game đã đua nhau mổ xẻ và “phán xử” trò chơi này vì cái tên quá kỳ cục.
Đến khi ra mắt, game Rồng Lộn đã “lộ nguyên hình” chỉ là một game bình thường với cái tên không có gì ghê gớm. Trò chơi cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn sau đó bởi… quá nhạt nhẽo. Nhưng có thể nói, với cách đưa tin “câu view” như vậy, Game 5 đã tạo nên sức hút với cộng đồng.
Đến nay, câu chuyện Tam Quốc Chịch lại một lần nữa dấy lên những đánh giá ngược chiều ý kiến nhà phát hành, về sự quái lạ trong chọn tên. Đa số ý kiến cộng đồng đều phản đối cách đặt tên này, trong khi đại diện nhà phát hành “tươi như hoa” tuyên bố MC Corp “tin tưởng cộng đồng sẽ hiểu và vui vẻ chấp nhận tên game này”.
Nhưng đến nay, MC Corp “tỉnh bơ” cho biết tên game thật ra là Bá Tam Quốc, đích xác trùng với tên gốc của game là Bá Tam Quốc Chí.
Thủ đoạn PR gian dối?
Ngay lập tức, nhiều ý kiến cộng đồng biểu lộ sự bất bình với chiêu bài “cũ rích về PR phản cảm” mà MC Corp dùng cho sản phẩm của mình. Cơ sở để cộng đồng có những nhận xét “ác ý” với MC Corp, bởi lâu nay, đây là nhà phát hành thường công bố nghiêm túc về giá trị thương hiệu với làng game. So với VDC-Net2E đã ở điểm “thoái trào” hay Game 5 “quá xa lạ”, cái tên MC Corp rất phổ biến, đủ chứng thực cho nhiều người tin là nhà phát hành “làm ăn đàng hoàng”. Cho nên, sự việc Tam Quốc Chịch đã là một đòn “tự phản” làm tổn thương chính giá trị văn hóa thương hiệu mà lâu nay MC Corp cố công tạo nên.
Hơn nữa, đối tượng nhắm đến để thực hiện thông tin trá ngụy của MC Corp lại chính là báo giới, các trang tin chuyên ngành. Các thông cáo báo chí của MC Corp được gởi đi rất nghiêm túc, và khi báo giới liên hệ lại để xác thực thông tin, đại diện truyền thông MC Corp đã đối thoại rất tỏ tường, không hề cho biết có sự nhầm lẫn hay “chiêu thức” gì.
Như vậy, phải khẳng định MC Corp với thông tin Tam Quốc Chịch là đã có tổ chức trong việc đánh tráo thông tin, dẫn dắt dư luận đi theo chiều hướng khai thác quá lố vấn đề, ngụy tạo dữ liệu với dư luận báo chí.
Điều này, rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước thực thi công tác kiểm tra, để làm rõ động cơ và hành vi doanh nghiệp, cố tình đưa thông tin sai lệch sự thật mà đánh lừa dư luận. Sự vụ của MC Corp là có tính toán, và còn tỏ ra không chịu trách nhiệm về hành vi dối lừa thông tin trước công luận báo chí. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa có động thái cải chính sự vụ đã làm.
Rõ ràng cách thức “đùa cợt dư luận” của MC Corp không hoàn toàn dị biệt với làng game, mà chỉ là “bổn cũ soạn lại”. Nhưng nếu hành vi này không bị xử lý thích đáng, sau này tiếp tục được các đơn vị khác khai thác để câu view, thì tính nghiêm minh của hoạt động thông tin báo chí sẽ bị ảnh hưởng đến mức độ nào? Cộng đồng khi bị dối lừa như vậy, sẽ mất niềm tin vào truyền thông chính thức ra sao? Câu hỏi này, thật sự cần được giải đáp thỏa đáng chứ không thể bỏ qua được.