“Tên tuổi” gây sốc, gameplay tầm thường
Ngay khi thông tin webgame chiến thuật Mỹ Nam Kế chính thức mở máy chủ chào đón game thủ vào ngày 13.10, nhiều người chơi đã có những trải nghiệm về game, nhưng không phải chơi vì quan tâm đến nội lực trò chơi, mà là chơi vì cái tên game có phần kỳ quặc lạ thường. Sở hữu “lớp vỏ” gây chú ý, nhưng webgame chiến thuật lấy bối cảnh Tam Quốc này hầu như không mang lại điểm nhấn đặc sắc hay mới mẻ nào.
Webgame chiến thuật Mỹ Nam Kế vẫn có lối chơi giống như các game chiến thuật thịnh hành trên nền tàng web, đó là xây dựng thành trì, bố trí và nâng cấp nhà, tạo lương thực nuôi quân. Game sử dụng cốt truyện Tam Quốc làm nòng cốt với các nhân vật quen thuộc bạn có thể gặp giai đoạn đầu game như Lã Bố hay Gia Cát Lượng. Tiếp đó, game cũng tái hiện lại tên của các trận đánh lịch sử trong Tam Quốc như diệt quân khăn vàng, tiêu diệt Trương Giác…
Về yếu tố tướng lĩnh, game thủ có thể chiêu mộ hệ thống tướng Tam Quốc thông qua hệ thống Tửu Lầu, mặc nhiên không cần phải thu thập mảnh hồn tướng như các tựa game đang nổi gần đây. Chỉ đơn giản, bạn nạp tiền vào, thật nhiều tiền, bạn sẽ có tướng khủng, có trang bị khủng, có lực chiến khủng…
Cách thức chơi của Mỹ Nam Kế cũng không có gì mới lạ, thậm chí còn “cũ rích”, chậm tiến bộ hơn rất nhiều so với những game đã ra mắt từ vài tháng trước như Công Thành Chiến hay Đại Hoàng Đế. Cụ thể, game cho người chơi lựa chọn một nhóm quân nhất định, đi chiếm các thành trì ở bên ngoài thành mình, hoặc đi càn quét ở các cửa ải. Có điều, sau thời gian trải nghiệm, Thanh Niên Game không nhận được chút bản sắc nào của một game chiến thuật, dàn trận đúng nghĩa. Từ chế độ đánh, việc bố trí lính, vị trí như thế nào, ra chiêu ra sao, hệ thống Auto đã làm thay hết cả, người chơi chẳng phải làm gì.
Bù vào đó, game lại phải tốn rất nhiều kim nguyên bảo ( đơn vị giao dịch trong game, có được khi nạp thẻ) cho việc mua sắm trang bị khủng, thu thập tướng huyền thoại, nâng cấp trang bị. Ngoài ra, tên game Mỹ Nam Kế cũng chẳng có chút ăn nhập gì trong suốt quá trình trải nghiệm, ngoài câu đối thoại đầu game từ trên trời rơi xuống: “ngươi xấu vậy mà cũng dám cướp nữ nhân, thật là tức cười”.
Đáng chú ý, trò chơi hoàn toàn không có nội dung hoặc những mảng gameplay phù hợp với thông điệp “mỹ nam kế” của nhà phát hành – được biết đến thông qua các bức ảnh chế gây cười, gây chú ý là chính trên fanpage của trò chơi.
Mù mờ thông tin nhà phát hành
Thông thường, bất kỳ một game online nào ra mắt, thì thông tin về nhà phát hành đó phải được cung cấp trực tiếp cho game thủ thông qua Trang chủ hay Fanpage. Việc này giúp đảm bảo yếu tố an toàn, trách nhiệm của đội ngũ quản lý game đối với tựa game mình phát hành, đồng thới giúp game thủ truy xuất nguồn gốc khi gặp lỗi bất kỳ. Đằng này, mặt dù tìm mỏi mắt, lật đi lật lại trang chủ hàng chục lần để đề phòng…lag làm mất tên nhà phát hành, lục tìm tất cả các event, comments trên Fanpage chính thức, hỏi rất nhiều lần trên Group duy nhất của game, vẫn chẳng ai hay biết gì về nhà phát hành Mỹ Nam Kế.
Không hề hay biết về nhà phát hành, bản thân tựa game Mỹ Nam Kế đang tạo nên nhiều ngờ vực rằng trong lòng game thủ: nạp tiền vào game có an toàn hay không? Game sẽ sống được bao lâu? Liệu đây có phải sản phẩm được phát hành… chui hay không?
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên Game, trò chơi lắm chiêu trò này thực chất là webgame chiến thuật Tào Tháo của aMO. Game đã ra mắt từ khá lâu và đây chỉ là cách mà aMO “hâm” lại món ăn nguội lạnh của mình. Cách chơi không minh bạch này đang trở thành căn bệnh thật sự của ngành game Việt, mới đây, Trường Tồn cũng làm điều tương tự với sản phẩm Thế Giới Đại Chiến 2.