Tuy nhiên việc dùng thuốc cho trẻ biếng ăn có phải là tốt?
Biếng ăn có phải là một bệnh?
Biếng ăn giống một thói quen xấu ăn sâu vào suy nghĩ của bé hơn là một bệnh. Nếu không phải là tâm lý sợ ăn thì cũng là do các vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng và một số bệnh lý khiến trẻ lười ăn, dần dần hình thành thói quen biếng ăn.
Hiện nay, các loại thuốc bổ như các loại Vitamin, men tiêu hóa để tự điều trị cho trẻ biếng ăn, hay rối loạn tiêu hóa đang là lựa chọn của nhiều người lớn. Tuy nhiên việc này có thể dẫn đến tác hại cho tiêu hóa của trẻ. Cẩn trọng với men tiêu hóa. Khoảng 20-30% trẻ đến khám dinh dưỡng do bố mẹ lo lắng về chứng biếng ăn ở trẻ.
Thận trọng khi dùng thuốc bổ cho trẻ biếng ăn
Trước khi đến khám, nhiều trẻ đã được mẹ cho uống thuốc bổ, uống men tiêu hóa ở nhà. Khi kết quả không khả quan thì mới đem trẻ đến khám. Bế trên tay con gái 18 tháng tuổi, một người mẹ phàn nàn: “Đợt này cháu ăn rất ít, chỉ nửa bát cháo nhỏ. Em đã cho uống hai tuần thuốc bổ, theo đơn cũ bác sĩ kê, nhưng không thấy tình hình cải thiện”.
Theo TS Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm thông tin – truyền thông và giáo dục, Viện Dinh dưỡng quốc gia, mua men tiêu hóa để tự điều trị cho trẻ biếng ăn, hay rối loạn tiêu hóa đang là lựa chọn của nhiều người lớn. Tuy nhiên việc này có thể dẫn đến tác hại cho tiêu hóa của trẻ. Vì vậy không nên tự mua men tiêu hóa để tự điều trị cho trẻ biếng ăn.
Bản thân cơ thể cũng có hệ thống để sản xuất ra men tiêu hóa giúp quá trình “chế biến” thức ăn đưa vào. Có một số lý do như sau đợt ốm, sau đợt tiêu chảy làm cho các men này bị giảm sút. Tuy nhiên, việc bổ sung men tiêu hóa cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, việc bổ sung chỉ trong một thời gian ngắn, để bù đắp thiếu hụt tại thời điểm cơ thể trẻ có trục trặc chưa sản xuất đủ. Nếu cứ lạm dụng, cho trẻ uống men tiêu hóa dài ngày, lượng men tiêu hóa được đưa vào thụ động này sẽ khiến bộ phận sản sinh ra men của cơ thể trở nên lười biếng, giảm công suất và dần dần đình đốn. Khi đó, lượng men tiêu hóa sản xuất tự nhiên sẽ thiếu hụt và đẩy cơ thể vào tình thế phụ thuộc vào men tiêu hóa được đưa vào từ bên ngoài.
Không tự ý dùng thuốc bổ thuốc bổ được kê cho trẻ thường có thành phần là các vitamin, vi chất thiết yếu cho cơ thể, tuy nhiên cũng cần được chỉ định. Việc bổ sung không hợp lý sẽ gây thừa vitamin, thừa vi chất. Một số chất do dư thừa có thể tích lũy lại gây ngộ độc, gây tác dụng phụ không mong muốn. “Tốt nhất là bổ sung vitamin, vi chất qua chế độ ăn hằng ngày bằng rau xanh, trái cây, đa dạng hóa nhóm thực phẩm”, TS Kim Thanh cho lời khuyên.
Về các nguy cơ liên quan đến thừa vitamin và vi chất, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Trần Nhân Thắng lưu ý: trẻ em dưới 1 tuổi dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D thường xuyên với liều trên 400 UI một ngày, có thể dẫn đến tăng mức can xi máu gây ra trạng thái kích thích, co giật, chậm phát triển trí tuệ. Trường hợp nặng hơn có thể gây suy thận và tử vong. Thừa vitamin A kéo dài ở trẻ em còn để lại hậu quả vĩnh viễn là ngừng phát triển đầu xương, chậm lớn. Thường xuyên dùng quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, giảm sức bền hồng cầu, rút ngắn thời gian đông máu… Vì vậy, sử dụng vitamin và vi chất dinh dưỡng dưới dạng phối hợp phải phân biệt các công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 4 tuổi và cho người lớn.