Thai nhi chậm phát triển trong tử cung là một trong số những hội chứng rất nguy hiểm. Thai nhi không được phát triển hoàn thiện dễ dẫn tới suy thai, đẻ non hoặc chào đời với dị tật bẩm sinh.
Nguyên nhân khiến thai nhi phát triển chậm
– Thai nhi có thể không nhận đủ dinh dưỡng và oxy từ nhau thai do một số lý do như mẹ mang đa thai, mẹ bị tiền sản giật hoặc liên quan đến các vấn đề về nhau thai khác.
– Do khuyết tật bẩm sinh hoặc rối loạn nhiễm sắc thể, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
– Mẹ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
– Trong quá trình mang thai người mẹ không chú ý đến dinh dưỡng, hút thuốc, uống rượu bia… Một số loại bệnh như suy gan, huyết áp cao, bệnh tim cũng làm tăng nguy cơ thai nhi phát triển chậm trong tử cung người mẹ.
– Mẹ tăng cân quá nhiều.
– Có bất thường ở dây rốn hoặc bị thiểu ối.
– Người mẹ có tiền sử thai chậm phát triển trước đó hoặc mang thai ở tuổi vị thành niên.
Chẩn đoán thai nhi phát triển chậm
Thai nhi phát triển chậm sẽ được chẩn đoán qua những lần khám thai định kỳ. Khi ấy, bác sỹ sẽ sờ nắn bụng, kết hợp với siêu âm để biết em bé có phát triển bình thường hay không. Các thông số tăng trưởng cần xem xét trong chẩn đoán thai nhi kém phát triển là chu vi vòng đầu, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng và lượng máu chảy từ nhau thai qua dây rốn. Qua siêu âm, bác sỹ cũng có thể phát hiện ra những bất thường khác liên quan đến bánh nhau và lượng nước ối.
Bạn có thể được tư vấn thực hiện thêm các xét nghiệm khác như tầm soát nhiễm trùng, theo dõi nhịp tim và chọc dò ối để tìm ra nguyên nhân khiến thai nhi phát triển chậm.
Điều trị thai nhi phát triển chậm
Việc điều trị thai nhi chậm phát triển phụ thuộc phần lớn vào các giai đoạn của thai kỳ và nguyên nhân gây ra. Nếu tuổi thai hơn 34 tuần, mẹ bầu được khởi phát chuyển dạ sinh thường. Nếu tuổi thai dưới 34 tuần, thai nhi sẽ được theo dõi để kiểm soát tình hình. Trong thời gian này, mẹ chú ý sinh hoạt điều độ, có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tránh trầm cảm, căng thẳng, stress để thai nhi được phát triển tốt nhất.