Ngày nay việc xin sữa mẹ cho con trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc trẻ không may mất mẹ khá phổ biến. Nhận thức được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, ở Việt Nam, nhiều diễn đàn liên kết các bà mẹ được lập ra để hiến tặng sữa mẹ với mong muốn đem lại nguồn sữa tốt nhất cho trẻ.
Hiến tặng sữa mẹ là nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho trẻ mà còn giúp cải thiện hệ miễn dịch của bé, giúp bé tránh khỏi một số bệnh viêm nhiễm. Tuy nhiên khi xin-cho sữa mẹ phải đặc biệt lưu ý, nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Sữa mẹ có thể bị nhiễm virus
Các virus có trong sữa mẹ nếu người mẹ mắc các bệnh như HIV, viêm gan B, C, bệnh bạch cầu (HTLV), virus Epstein-Barr, nhiễm virus cự bào (CMV). Tuy nhiên chỉ có virus HTLV, CMV và HIV là được chứng minh có thể lây truyền qua sữa mẹ. Riêng virus cự bào (CMV) trong sữa mẹ chỉ gây nguy hiểm cho những trẻ bị sinh non.
Mặc dù virus HIV và HTLV có thể lây truyền qua sữa mẹ, nhưng khả năng lây truyền cũng không dễ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng “việc xin-cho sữa mẹ và cho con bú sữa công thức tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ngang nhau”. “Tỷ lệ số ca bị nhiễm HIV qua đường máu là 89%, trong đó chỉ có 0,6-4% số ca là trẻ dưới 6 tháng bị lây nhiễm HIV do bú sữa của mẹ bị nhiễm căn bệnh này.”
Sữa mẹ có thể bị nhiễm vi khuẩn
Các nhà khoa học chỉ ra rằng số lượng và loại vi khuẩn có trong sữa khác nhau giữa các bà mẹ. Các vi khuẩn tìm thấy trong sữa mẹ thường vô hại hoặc là các lợi khuẩn có lợi cho đường ruột. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có các vi khuẩn nguy hiểm có thể lây lan qua sữa mẹ.
Sữa công thức cũng có thể nhiễm khuẩn
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như sữa mẹ xin–cho, sữa công thức cũng có nhiều vi khuẩn gây hại. Sữa công thức không vô trùng do được pha theo nguyên lý pha cùng nước ấm để tránh tiêu diệt lợi khuẩn. Nhưng mặt trái của nó là các vi khuẩn gây hại vẫn tồn tại.
Có rất nhiều vi khuẩn được tìm thấy trong sữa công thức. Tuy vậy cho đến nay chỉ có duy nhất hai vi khuẩn Cronobacter sakzakki và Salmonella được tìm thấy trong những trẻ bị lây nhiễm.
Sữa mẹ có thể chứa dư lượng thuốc kháng sinh
Sữa mẹ có thể nhiễm thuốc kháng sinh nếu người mẹ uống trong thời gian cho con bú. Tuy tỷ lệ thuốc lây lan vào sữa mẹ rất thấp, chỉ 1% và được chứng minh không gây hại đến bé, nhiều người vẫn thận trọng không cho con bú khi đang uống thuốc kháng sinh. Ngoài ra sữa mẹ cũng có thể bị nhiễm một số chất độc hại từ môi trường.
Sữa công thức chứa một số chất gây hại
Sữa công thức cũng chứa một số chất gây hại cho sức khỏe và hệ thần kinh của bé. Vào năm 2008, một số loại sữa sản xuất tại Trung Quốc đã bị cấm lưu hành vì phát hiện trong sữa có chứa chất melamine, khiến hàng nghìn trẻ em nhập viện.
Không những chứa chất nguy hại, sữa công thức cũng được chứng minh không đủ dưỡng chất như sữa mẹ. Hàm lượng canxi trong sữa mẹ thấp hơn so với sữa công thức, tuy nhiên đây lại là loại canxi dễ hấp thụ. Ngược lại lượng canxi trong sữa công thức quá cao so với nhu cầu của bé, hơn nữa lại khó hấp thụ.
Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn nếu sữa hiến tặng không được bảo quản đúng cách
Việc hút sữa mẹ, trữ và bảo quản sữa mẹ nếu không được thực hiện đúng quy cách hợp vệ sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa hiến tặng.
Trước khi hút sữa, mẹ phải tiệt trùng máy/ dụng cụ hút sữa đầy đủ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Trữ sữa trong bình thủy tinh hoặc bình làm bằng chất liệu nhựa an toàn có nắp đậy kín hoặc túi trữ sữa chuyên dụng. Sữa mẹ có thể bảo quản trong tủ lạnh được 3 giờ nếu ở nhiệt độ 4°C, ở nhiệt độ -18 đến -20°C, sữa mẹ có thể bảo quản trong 6 tháng.
Một số lưu ý khi xin-cho sữa mẹ
– Xin sữa mẹ của người quen biết, biết rõ tiền sử bệnh tật và tình trạng sức khỏe của người cho sữa, đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm bệnh do bú sữa mẹ hiến tặng.
– Bản thân người hiến tặng sữa mẹ cũng phải có ý thức. Chỉ trao tặng sữa mẹ trong trường hợp biết chắc chắn mình không mắc các bệnh trên. Những mẹ bị viêm nhiễm ở vùng vú, bị áp xe vú hay vú sưng mưng mủ, phải điều trị kháng sinh,… không nên hiến tặng sữa mẹ.
– Người hiến tặng sữa mẹ phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc vệ sinh trong quá trình hút sữa và bảo quản sữa mẹ. Bảo đảm sữa hiến tặng không bị thay đổi, biến chất.
– Hâm nóng sữa mẹ cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ lây bệnh nếu sữa mẹ có vi khuẩn gây hại.
– Không mua sữa mẹ, chỉ xin sữa mẹ ở Ngân hàng sữa mẹ. Sữa mẹ được cho tặng vì ý nghĩa cao đẹp, chứ không vì mục đích thương mại. Vì vậy, mẹ hay người nhà muốn xin sữa mẹ cho con nên chú ý đến điều này.