Còn 3 tháng nữa bé Bin đã vào lớp 1, thời gian này, cũng như bao gia đình có con nhỏ khác, cả nhà tôi cũng náo loạn vì tranh cãi không biết con học ở đâu. Mặc cho mẹ chồng khăng khăng đòi Bin phải vào trường công, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm ngày mai sẽ đi đăng ký cho con mình được học trong môi trường quốc tế.
Tuy gia đình không phải thuộc dạng đại gia gì nhưng hai vợ chồng đều làm cho công ty nước ngoài, lương tháng khoảng 15triệu/tháng, nếu cố gắng vẫn có thể đáp ứng chi trả mức học phí đắt đỏ được. Chúng tôi đã đến thăm vài ngôi trường trong thành phố và thấymức học phí đó xứng đáng đồng tiền bát gạo mình bỏ ra hơn so với các trường tiểu học công lập ở Việt Nam hiện nay.
Lí do hàng đầu khiến vợ chồng tôi đều nhất trí phải cho Bin đi học trường quốc tế là tình trạng dạy tiếng Anh “không thể chấp nhận được” ở phần lớn các trường công. Quanh khu vực nhà tôi, gia đình nào có con sắp tốt nghiệp đại học cũng phải chi mấy chục triệu để con học lớp cấp tốc lấy chứng chỉ IELTS, TOEIC cho kịp đi xin việc, mặc dù suốt 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học đã tốn tiền học thêm học chính, mua sách tiếng Anh đủ cả. Học ôn gấp quá, kiến thức làng nhàng, con không đỗ nổi chứng chỉ tiếng Anh, không tự xin được việc, bố mẹ lại mất công chạy chọt thêm vài trăm triệu nữa để vào làm chỗ “ngon ngon” một tí.
Đầu tư nhỏ giọt mà không hiệu quả như vậy, tính ra không kinh tế bằng cho con học luôn trường quốc tế ngay từ đầu. Trẻ nhỏ như trang giấy trắng, để các con tiếp xúc với giáo viên người bản xứ, bạn bè nước ngoài hàng ngày, uốn nắn học từ, phát âm tiếng Anh chuẩn còn dễ. Chờ con mài mông suốt 12 năm trên ghế nhà trường học kiểu đọc chép với giáo viên người Việt, đến lúc đấy còn uốn kiểu gì nữa?
Học trường công suốt 12 năm phổ thông, 4 năm đại học, đến lúc ra trường vẫn tốn hàng chục triệu đi học lại tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Ngoài việc dạy ngoại ngữ bài bản, trường quốc tế còn hơn hẳn trường công ở cách họ dạy con mình tư duy, sáng tạo, không chỉ học sách vở suông mà còn có cả thực hành, rèn luyện kĩ năng sống. Trường Việt Nam mình chú trọng dạy các cháu ngoan, dạy thế nào, làm theo y hệt như thế nên học sinh thụ động và thường nhút nhát. Bé Na con ông anh họ tôi đi học trường quốc tế, ở lớp các bé được luân phiên nhau làm lớp trưởng, bạn nào cũng có cơ hội phát huy tố chất làm lãnh đạo của mình. Hàng tháng các bé còn được nhà trường tổ chức cho đi xem xiếc, tham gia các hoạt động tình nguyện, quyên góp. Nhìn Na mới 7 tuổi mà chững chạc, tự tin như người lớn, tôi thích mê. Hai vợ chồng tôi đều đã qua thời đại học, nếm trải cảm giác học những môn lý thuyết khô khan không áp dụng gì vào thực tế trong khi kĩ năng sống, nghiệp vụ lại thiếu trầm trọng nên rất muốn đến khi Bin đủ lớn, sẽ cho con đi du học. Mà muốn con làm quen với phong cách sống, học tập và làm việc chủ động, tích cực ở nước ngoài, tốt nhất phải cho con vào trường quốc tế từ bây giờ.
Thêm một ưu điểm nữa của trường quốc tế là chương trình học thoải mái, không có bài tập về nhà. Bé Na cháu tôi ngày học trên trường ( có kèm theo các hoạt động giải trí, ngoại khóa) là đủ, chiều tối về thong thả vui chơi với bạn trong xóm, mua sắm cùng mẹ hay đi bơi với bố. Nhìn trẻ con trường công mới lớp 1 mà mắt kính đã dày cộp, mặt mũi đờ đẫn vì tối ngày học thêm học bớt, về nhà lại làm cả núi bài tập, tôi rất lo bé Bin cũng sắp bị biến thành “gà công nghiệp” theo kiểu dạy dỗ đó. Có lẽ chỉ có để Bin vào trường quốc tế mới đảm bảo được tuổi thơ hồn nhiên, không bị đè nặng áp lực học hành cho con.
Và đương nhiên, cho con học trường quốc tế, vợ chồng tôi sẽ được yên tâm hẳn khoản cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, thực đơn ăn uống của con mình. Lớp học được trang bị điều hòa, ánh sáng, máy chiếu, máy tính, dụng cụ làm thí nghiệm đầy đủ, chắc chắn các con sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn. Anh họ tôi khoe bé Na ở trường được ăn theo thực đơn phong phú lắm. Vì lớp có đủ các bạn đến từ nhiều nước khác nhau nên trường có hẳn một đầu bếp nước ngoài, tuần nào cũng lên thực đơn mới cho các con, hôm thì món Nhật, hôm thì món Âu, hôm món Việt Nam. Các con rất hào hứng được ăn uống đủ chất và ngon miệng.
Mẹ chồng tôi quyết liệt phản đối chuyện trường quốc tế vì sợ Bin ở trong môi trường toàn “con nhà giàu” đâm hư hỏng. Tôi nghĩ, cũng tại phim ảnh khai thác đề tài con nhà giàu sướng quá hóa hư nhiều quá nên mẹ mới có định kiến đó thôi. Bản thân tôi sinh ra từ một vùng quê nhưng cấp 3 đỗ vào trường chuyên trên Hà Nội, tôi đã được sống trong cảm giác xung quanh toàn con nhà giàu là như thế nào. Thực tế thì, bạn học tôi đều là con bác sĩ, kĩ sư, doanh nhân,…. Có bố mẹ là người tài giỏi, thành đạt, gia đình khá giả nên họ được dạy dỗ và rèn luyện bài bản hơn hẳn.
Áp lực phải cố gắng cho bằng bạn bằng bè đã khiến tôi nỗ lực hết mình và có được công việc khá ổn như hiện tại. Vì thế, tôi nghĩ cho Bin học trường quốc tế, con sẽ tiếp xúc với phần lớn bạn tốt. Những người thành đạt, có học hành, có quan tâm đến chuyện nuôi dạy con cái mới tính đến chuyện cho con vào đó. Chí ít thì đó đều là những gia đình cơ bản, biết dạy con cách cư xử. Chính môi trường ở các trường công mới khiến tôi lo lắng vì học sinh đến từ nhiều hoàn cảnh, tầng lớp xã hội khác nhau, tốt xấu đều có cả.
Vì thế, biết nuôi con ăn học trường quốc tế tốn kém lắm nhưng hai vợ chồng tôi vẫn cố gắng cày cuốc. Tất cả cũng vì mong muốn tương lai con mình sẽ tốt đẹp hơn bố mẹ nó.
Theo chia sẻ của độc giả M.Hương (Hà Nội)