Xin mẹ đừng so con với “con nhà người ta”
Lương 15 triệu, tiếc gì không cho con học trường quốc tế!
Những ngày cuối năm là học sinh hồi hộp, căng thẳng nhất. Có lớp thì đã công bố bảng xếp hạng, các danh hiệu, các thứ bậc, có lớp thì mới đang chuẩn bị “lên thớt”. Ai sẽ hạng gì? Ai sẽ đứng ở trên và ai bị xếp ở dưới, Ai sẽ được vinh danh và đứa nào sẽ không biết trốn đi đâu vì nhục nhã?
Chuẩn bị tinh thần nhé các mẹ, từ hôm nay tới cuối tuần sau, thể nào facebook cũng nô nức ảnh con nhận phần thưởng, khoe giấy khen, khoe danh hiệu. Món khoe hiệu quả nhất, được nhiều like nhất, nhận được comment (bình luận – PV) chúc mừng nhiều nhất, (và dằn mặt người khác tốt nhất), đó là khoe thành tích học tập của con.
Ba mẹ đã làm việc không ngừng một phút nào để cho con bằng bè bằng bạn, không thua kém người ta. Nên con cũng phải học không thua kém “con nhà người ta” chứ!
Chỉ có nhà trường là thông minh nhất, tìm ngay ra giải pháp là cứ thưởng búa lua xua, đứa nào cũng học sinh giỏi và học sinh tiên tiến, giải thưởng như mưa. Chả mất gì của ai, tiền thưởng thì phụ huynh đóng góp. Win-win-win, cả phụ huynh, học sinh, và nhà trường, tất thảy ai nấy đều sung sướng. Đơn giản mà hiệu quả.
Chỉ có trẻ con là thiệt!
Nhìn xã hội xung quanh như đang lên đồng! Khảo sát PISA Việt Nam được xếp thứ 12, trên cả Mỹ kìa, Rồi hang Sơn Đoòng vừa được vinh danh là hang động lớn nhất thế giới, được xếp trong danh sách 10 nơi mơ ước được tới trên thế giới trước khi chết kìa. Thật tuyệt vời! Chúng ta sắp cất cánh tới nơi rồi!
Nhưng Sơn Đoòng không thể một mình vực dậy cả một nền du lịch. Visa vào Việt Nam khó khăn, Hải quan thì cau có, hạch sách, dịch vụ kém mà đắt đỏ, giao thông tệ hại, hướng dẫn viên cắt xén mánh mung, chụp giật… Trong khi những nước khác như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản cứ lặng lẽ thu nguồn ngoại tệ khổng lồ từ du lịch mà chẳng cần có cái Vịnh Hạ Long hay cái hang Sơn Đoòng nào. PISA xếp thứ 12, nhưng đóng góp cho nền khoa học thế giới thì VN là số 0 tròn trĩnh.
Mọi bảng xếp hạng chỉ có giá trị trong vùng đất của nó!
Thế nên là các mẹ ơi, dừng ngay việc so sánh giữa con mình và “con nhà người ta”. Tụi trẻ con nó ghét cái cụm từ “con nhà người ta” lắm lắm đấy ạ. Tớ chắc rằng, người cao nhất Việt Nam, to nhất Việt Nam, đáng sợ nhất Việt Nam, nhiều kẻ thù nhất Việt Nam… là thằng “con nhà người ta”.
Rồi nữa, đã hết đâu, “Bằng tuổi con bây giờ, ngày xưa mẹ đã phải đi làm đồng,đi bán hàng, đi kiếm tiền, đi lao động… (nói chung là ngoan). Bằng tuổi con ngày xưa mẹ không có bao giờ cãi bà, mẹ nghe lời ông, mẹ học giỏi… (nói chung là cũng ngoan), Bằng tuổi con ngày xưa ba đâu có được dùng điện thoại, đâu có được xem ti vi, không được ăn gà rán, nhưng vẫn lao động và học tập rất giỏi… (nói chung là vô cùng ngoan).”
Mệt hết cả người!
Có đứa vì mẹ suốt ngày mang 1 đứa bạn học giỏi ra so sánh, thế nên nó đã xé bài cuả bạn, lừa bạn ra đáp số sai để bạn không khá hơn nó. Có đứa con bực mình cãi lại: “Bằng tuổi ba bây giờ thì ông Obama đã là tổng thống nước Mỹ rồi đó ạ!”.
So sánh với cái ngày xưa cuả ba mẹ, hay với “con nhà người ta” vừa hạ thấp những cố gắng của nó, hạ thấp nhân cách của nó, vừa làm ba mẹ trở thành đối thủ bên kia chiến tuyến. Ngày xưa thì nêu gương là 1 trong 4 phương pháp quan trọng của dạy học, nhưng giờ thì bỏ rồi. Không so sánh nữa. So sánh với người khác không làm trẻ tự tin lên, cũng không làm quyết tâm hơn, chỉ tạo thành tính ganh đua, cạnh tranh, mà cái này không hề tốt cho đạo đức và tính cách sau này nhá. Ngày xưa báo mình còn thỉnh thoảng viết về thủ khoa, về các bạn học giỏi. Giờ thì thôi rồi, vì thấy tác dụng phụ của những tấm gương đó là toàn gây ra căng thẳng cho trẻ con và châm ngòi các cuộc cãi cọ trong nhà.
Mọi so sánh đều là khập khiễng! Điều kiện gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, xuất phát điểm khác nhau, gen khác nhau, phúc phần khác nhau… Hàng trăm chỗ lệch, so làm sao đươc mà so chứ?
Vậy nên, cuối cùng thì, bảng xếp hạng quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm, đó là bảng xếp hạng cuả bản thân con mình với chính nó. Con mình là ai, ở đâu? Nó thích cái gì, nó giỏi cái gì, nó kém cái gì, nó có hài lòng không? Nó có chiến lược nào riêng không? Chỉ so nó với chính nó ngày hôm qua, hoặc so với tương lai, kiểu như “nếu con muốn ngày sau làm bác sỹ thì con còn thiếu cái ABC này…”
Chỉ so sánh con với chính nó, vứt hết các thể loại “con nhà người ta” đi. Nhé, năn nỉ đấy!
Theo chia sẻ của chị Thu Hà, sinh năm 1975, công tác tại Báo Hoa học trò. Chị Thu Hà hiện đang sống tại TP HCM cùng hai cô con gái nhỏ.
Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé! |