Đánh vào mông ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ
Chiêu giúp con thích đi học của bà mẹ có con sắp vào lớp 1
Trẻ Việt thiếu văn minh là do bố mẹ “ép”
1. Nỗi sợ bóng tối
Bé nghĩ gì: “Con không thể nhìn thấy gì trong bóng tối. Con cảm thấy nguy hiểm!”
Mẹo giúp bé: Dù ít hay nhiều, hầu như tất cả mọi đứa trẻ đều sợ bóng tối – đây là nỗi sợ không rõ nguyên nhân mà lại rất phổ biến. Để đối phó với nỗi sợ này, hãy dạy trẻ cách bật đèn quanh nhà và đặt một chiếc đèn ngủ nhỏ trong phòng ngủ của trẻ. Để trẻ tự kiểm soát lượng ánh sáng mà chúng có khi đi ngủ và dần dần giảm bớt số lượng ánh sáng đó theo thời gian. Ngoài ra, bạn nên giúp trẻ hiểu rõ về bóng tối hơn bằng cách đi dạo cùng trẻ trong bóng đêm và bàn luận về những điều mới mẻ và thú vị có thể nhìn thấy trong bóng tối như: ánh trăng, những con đom đóm, ánh đèn lồng rực rỡ,…
2. Nỗi sợ ma
Bé nghĩ gì: “Có con gì đó ở nấp sau cánh tủ/góc tường/dưới giường ngủ của con.
Mẹo giúp bé: Trẻ nhỏ có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, chúng có thể nghĩ ra đủ loại ma hay quái vật trong bóng tối, góc kín hay bất cứ đâu. Rõ ràng là chúng ta đều biết trên đời này không có ma quái, nhưng cứ đi giải thích với trẻ như vậy cũng vô ích. Thay vì thế, hãy tôn trọng quan điểm của trẻ và giúp chúng ngăn chặn những chuyến viếng thăm của quái vật cho đến khi trẻ đủ lớn để có thể hiểu ra mọi chuyện. Bạn có thể dán một tấm biển “Ma không được vào” ngay ở cửa phòng ngủ hay dùng chai xịt xịt khắp phòng để đảm bảo với trẻ rằng quái vật không thể vào được.
3. Nỗi sợ thời tiết
Bé nghĩ gì: “Con rất sợ tiếng sấm đùng đoàng và tiếng gió rít.”
Mẹo giúp bé: Để giúp trẻ đối phó với nỗi sợ này, hãy giải thích cho trẻ về các hiện tượng thời tiết và cách tận hưởng từng loại thời tiết. Thường xuyên vui chơi cùng trẻ ngoài trời để trẻ cảm nhận được nét thú vị của nắng, mưa hay gió. Nếu bạn sống trong khu vực hay có bão, cuồng phong hoặc các hiện tượng thời tiết xấu khác, hãy dạy trẻ cách xử lí trong từng trường hợp.
4. Nỗi sợ ác mộng
Bé nghĩ gì: “Con sợ ngủ một mình lắm vì thỉnh thoảng con lại gặp ác mộng.”
Mẹo giúp bé: Trẻ có thể không biết diễn đạt thành lời rằng mình đã gặp ác mộng nhưng sẽ thể hiện sự ám ảnh thông qua các hành động như mộng du, la hét, khóc lóc, kể những câu chuyện không liên quan đến những thứ chúng nhìn thấy hoặc nói với bạn rằng chúng sợ phải đi ngủ. Hãy dỗ dành bé sau cơn ác mộng bằng một chiếc chăn trẻ yêu thích, một chú thú nhồi bông và đảm bảo với bé rằng bé đang được an toàn, bố mẹ luôn luôn ở đây để giúp bé. Nếu trẻ vẫn tiếp tục gặp ác mộng dữ dội và thường xuyên, hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ vì có thể trẻ gặp vấn đề về tâm lí.
5. Nỗi sợ người lạ
Bé nghĩ gì: “Con phải bám chặt lấy mẹ mỗi khi thấy người lạ, vì con không biết người ta là ai, người ta định làm cái gì.”
Mẹo giúp bé: Kì thực nỗi sợ người lạ cũng tốt cho trẻ, vì đó là một phản ứng tự vệ của chúng – trẻ em tốt nhất không nên đi theo những người mà chúng không biết. Hãy để cho trẻ có thời gian tìm hiểu, làm quen với những người mới gặp trước khi kì vọng chúng sẽ vui vẻ và thân thiện với họ. Bạn nên sát cánh bên con khi bé tiếp xúc với những người mới và hành động thân thiện để trẻ noi theo. Nếu bạn đã biết con mình hay e ngại và rụt rè, hãy cảnh báo trước với những người khách đến thăm nhà và kể cho họ về những trò chơi và hoạt động yêu thích của trẻ để hai bên có cơ hội gắn kết nhau hơn.
6. Nỗi sợ xa cách
Bé nghĩ gì: “Sao bố/mẹ lại đi? Bố/mẹ có quay lại với con không? Nhỡ bố/mẹ không bao giờ quay về thì sao?”
Mẹo giúp bé: Trẻ lo lắng và sợ hãi khi thấy những người gần gũi nhất với chúng đi mất là chuyện rất bình thường. Hãy tạo một “lịch trình tạm biệt” thường xuyên và quen thuộc để trẻ không bị bất ngờ. Luôn để trẻ ở lại với một người trông nom đáng tin cậy và luôn nói lời tạm biệt trước khi bạn đi công tác hay làm việc ở đâu đó, tránh chuyện lẳng lặng hay lén rời đi mà trẻ không hề hay biết. Điều này sẽ tạo dựng cho trẻ được niềm tin chắc chắn rằng bố/mẹ sẽ quay trở lại. Và một khi đã đi rồi, bạn nên tránh việc đột nhiên quay lại giữa chừng làm trẻ bị phân tâm.
7. Nỗi sợ bác sĩ
Bé nghĩ gì: “Con không thích bác sĩ vì con sợ người ta tiêm và lấy máu của con. Đau lắm!”
Mẹo giúp bé: Sợ bác sĩ là nỗi sợ rất phổ biến ở trẻ nhỏ vì chúng nhìn thấy bệnh viện là nơi của đau đớn và bệnh tật. Hãy kể cho bé nghe trước về những quy trình bé sẽ phải làm và hứa thưởng cho bé một phần quà nho nhỏ nếu bé chấp nhận cộng tác. Bạn có thể kể chuyện hoặc hát cùng bé trong lúc chờ đợi để giảm bớt căng thẳng và luôn ở bên bé khi bé tiến hành các thủ tục khám chữa bệnh. Đừng quên khen ngợi bé dũng cảm và mạnh mẽ sau khi mọi thứ đã hoàn tất.
Dạy trẻ cách kiểm soát nỗi sợ hãi
– Nhẹ nhàng đưa trẻ đối diện trực tiếp với thứ mà trẻ vốn hay sợ. Từ từ hướng dẫn trẻ và làm mẫu cách làm thế nào để bình tĩnh khi đối mặt với chúng.
– Giải thích cho trẻ cái gì là thật, cái gì là giả, cơ chế hoạt động thực sự của những thứ mà trẻ vẫn sợ (bóng tối, mưa, mặt nạ,…)
– Hãy thành thật. Nếu bạn biết điều gì đó đáng sợ sắp xảy ra và có thể làm tổn hại đến bé thật, hãy nói với bé. Bé sẽ học được cách đối mặt với nỗi sợ và làm theo những gì bạn hướng dẫn.
– Hãy kiềm chế những nỗi sợ hãi, lo lắng, bực dọc hàng ngày của chính mình. Để phát triển sự tự tin và cảm giác an tâm của trẻ, bản thân mẹ phải là người bình tĩnh và cứng cỏi.
– Đọc sách và kể chuyện cho trẻ nghe về những em bé khác cũng có nỗi sợ tương tự như trẻ và chúng đã biết cách vượt qua nỗi sợ đó như thế nào. Trẻ nhỏ bị tác động rất lớn bởi những người bạn đồng trang lứa và có xu hướng muốn học tập theo để được khen ngợi như các bạn.