Trong tử cung, bé được kết nối với mẹ qua dây rốn – đây cũng là đường cung cấp chất dinh dưỡng, oxy và máu nuôi sống bé. Một đầu dây rốn gắn với nhau thai, nhau thai gắn vào tử cung, đầu còn lại của dây rốn gắn vào thai nhi tạo thành lỗ nhỏ trên bụng, khi hoàn thiện lỗ nhỏ đó được gọi là rốn. Sau khi bé chào đời, bé sẽ được cắt dây rốn. Một phần thừa của dây rốn vẫn còn dính vào rốn của bé. Sau 7-10 ngày phần này sẽ rụng đi. Thủ thuật cắt dây rốn không gây đau đớn cho bé nhưng sau đó bố mẹ phải chú ý đến vấn đề vệ sinh cho đến khi bé rụng rốn. Nếu không sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Không tác động vào rốn bé
Đây là nguyên tắc đầu tiên cần phải nhớ khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh. Bố mẹ không được phép tác động vào rốn của bé, bởi vì rốn bé sẽ tự khô và rụng mà không cần bất cứ sự hỗ trợ bên ngoài nào. Bố mẹ chỉ cần nhớ không được chạm vào phần rốn vì bé sẽ bị đau. Trong 7-10 ngày rốn bé sẽ tự rụng. Muộn nhất là 21 ngày.
Để phần rốn thoáng mát
Khi đóng bỉm, tã cho bé, bố mẹ chú ý tránh phần rốn chưa rụng để phần rốn được khô và thoáng mát. Như vậy bé sẽ rụng rốn nhanh hơn.
Mặc quần áo thoải mái
Lựa chọn loại quần áo thoáng mát, làm bằng chất liệu cotton nhằm tránh nguy cơ rốn bị cọ xát hay nhiễm trùng. Mẹ cũng không nên đóng bỉm, tã cho con cả ngày, nên để cho bé có những lúc thoáng mát. Bé sẽ được co duỗi chân tay thoải mái, tạo điều kiện cho rốn khô nhanh hơn.
Rửa rốn bằng nước sạch và dùng bông y tế
Mẹ có thể dùng bông y tế đã tiệt trùng, nhúng vào nước sạch và rửa cho bé. Lưu ý khi rửa chỉ chấm nhẹ nhàng, không được phép mạnh tay.
Tránh sử dụng bông tẩm cồn
Đây là lỗi thường gặp nhất đối với các bà mẹ trẻ, ngay cả những người đã từng làm mẹ cũng có thói quen không tốt này. Nhiều người cho rằng lau rốn cho bé bằng bông tẩm cồn sẽ giúp rốn của bé nhanh khô và nhanh rụng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp này lại mang tác dụng ngược, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, tuyệt đối không vệ sinh rốn cho bé bằng bông tẩm cồn y tế.
Khi cuống rốn đã rụng, mẹ cần lưu ý những điểm sau:
Dùng khăn sạch lau rốn bé: Khi bé rụng rốn, phần cuống rốn có thể rỉ ra một ít máu hoặc mủ. Mẹ có thể dùng bông hoặc khăn sạch lau máu và mủ đi.
Sử dụng các loại kem thuốc hoặc thuốc mỡ: Chỉ bôi thuốc và thuốc mỡ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Không tự ý đi mua thuốc bôi cho bé.
Đi khám bác sỹ: Nếu phần rốn của bé chảy nhiều máu, mủ liên tục, phần da xung quanh ửng đỏ và có mùi hôi, cần đưa bé đi khám ngay lập tức để loại trừ nguy cơ bé bị nhiễm trùng rốn.