Đông y thường dùng các loại cây cỏ, thực vật để làm thuốc, hầu hết các vị thuốc trong đông y có xuất xứ từ thực vật. Nhưng cũng có những vị thuốc bổ có nguồn gốc từ động vật mang đến rất nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe con người. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu một số vị thuốc như thế.
Lộc nhung
Lộc nhung (nhung hươu) là sừng non của con hươu đực, cũng như mê nhung là sừng non của con nai đực, là một trong bốn thượng dược trong đông y là sâm, nhung, quế, phụ. Lộc nhung tại nước ta được thu hoạch và chế biến từ loài hươu sao. Sừng non khi mới mọc dài 5-10cm, rất mềm, bên ngoài có lớp da bao phủ, trên có có nhiều lông tơ mịn như nhung, bên trong có chứa nhiều mạch máu.
Mùa lộc nhung rơi vào khoảng tháng 2-3 hàng năm, mùa nhung nai là tháng 4-8, trong thời gian này hầu hết hươu và nai đều mọc nhung, số còn lai cho nhung dải đều đến cuối năm. Hươu đực khi đủ 2 tuổi sẽ mọc nhung, nhưng phải từ 3 tuổi trở lên thì chất lượng nhung mới tốt. Nhung khi đủ ngày thu hoạch sẽ được cưa để chế biến theo nhiều cách khác nhau.
Theo các tài liệu y học cổ thì lộc nhung có vị ngọt, tính ôn, công dụng vào 4 kinh thận, can, tâm và tâm bào. Lộc nhung có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết, được sử dụng trong nhiều trường hợp hư tổn cơ thể, nam giới tinh kém, hoạt tinh, dương nuy, nữ giới băng lậu, đái hạ…
A giao
A giao là keo (hay cao) chế biến bằng cách nấu da lừa cạo bỏ lông với nước, loại cao này phổ biến ở Trung Quốc. Để nấu a giao sẽ làm như sau: da lừa ngâm nước 2-3 ngày cho mềm, sau đó cạo sạch lông, cắt thành những miếng nhỏ rồi rửa sạch lần nữa. Đun ngập nước trong nồi 3 ngày 3 đêm thì lấy nước ra, thay nước mới, lặp lại quá trình này 5-6 lần để lấy hết chất keo trong da lừa. Gộp các lần nước cốt ở trên, lọc qua dây đồng, thêm vào 1 ít phèn chua, khuấy đều để lắng hết cặn rồi gạn lấy lớp trong ở trên cô đặc thành a giao.
Trong a giao có chứa khá nhiều các loại axit amin như lysine, acgynin, histidin, xystin, glyxin… rất có lợi cho sức khỏe con người. A giao có công dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ phế, nhuận táo, an thai, đươc dùng trong nhiều bài thuốc chữa hư lao, ho ra máu, băng lậu âm hư, đi lỵ ra máu, kinh nguyệt nhiều, giúp an thai…
Hải mã
Hải mã hay cá ngựa, hải long, thủy mã là loại cá sống ở vùng biến có đầu rất giống hình đầu ngựa nên có tên là hải mã. Cá ngựa sống nhiều ở dọc bờ biển Việt Nam nhưng hiện nay cá thể bị giảm đi khá nhiều do bị săn bắt quá nhiều. Cá ngựa kích thước to, nhỏ, màu sắc trắng, vàng hay màu nào khác cũng đều được dùng làm thuốc.
Theo đông y, hải mã có tính ôn, vị ngọt, không độc, có tác dụng mạnh trong tăng cường sinh lý, giúp tráng dương, trị khí huyết không thông, phụ nữ khó đẻ. Hải mã được dùng cho đàn ông bị suy giảm các chức năng sinh lý, giúp chống xuất tinh sớm, cũng dùng cho người già yếu, thần kinh suy nhược.
Tắc kè
Tắc kè cũng là một vị thuốc bổ có rất nhiều tác dụng, đặc biệt tốt cho phế, thận. Trong y học cổ truyền, tắc kè có tính ôn, vị mặn, giúp bổ phế thận, ích tinh, trợ dương, chữa hen suyễn. Thường được dùng để kéo dài thời gian quan hệ, chữa các chứng ho có đờm, ho lâu ngày, hen suyễn.
Tắc kè còn có tên gọi là đại bích hổ, cáp giải, có hình dạng khá giống thạch sùng nhưng to và dài hơn, đuôi tắc kè được coi là bộ phận quý nhất của nó. Tắc kè thường sống trong những hốc đá, tường cao, ăn các loại sâu bọ, bươm bướm… Ở nước ta, tắc kè có nhiều tại Hà Giang, Tuyên Quang, Băc Cạn, Cao Bằng… Tắc kè thường được dùng bằng cách ngâm rượu để uống.
Mật ong
Mật ong được dùng rất phổ biến trong đời sống của chúng ta, nó còn có tên gọi là bách hoa tinh, phong đường… Mật ong có thể được thu hoạch từ ong tự nuôi hoặc bằng cách lấy từ các tổ ong lớn trong rừng, loại mật ong tốt nhất vẫn là loại được thu hoạch trong tự nhiên.
Màu sắc, hương vị của mật ong sẽ phụ thuộc vào các loại hoa có trong vùng ong sinh sống. Tuy nhiên để đánh giá chất lượng mật ong thì không thể nhìn qua bề ngoài mà cần phải phân tích thành phần hóa học. Nhưng nhìn chung thì mật ong sẽ có những tác dụng như thanh nhiệt, bổ trung, nhuận táo, giải độc, được dùng trong nhiều bài thuốc đông y khác nhau để chữa các bệnh liên quan đến tâm, phế, tỳ, vị, đại tràng.